PHẦN THỊT LỢN NÀO NGON VÀ BỔ NHẤT?
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm đi chợ và vẫn còn rất phân vân “nên chọn khúc thịt này hay miếng sườn kia?” “Thịt nào vừa ngon vừa bổ?”… thì bài viết này là dành cho bạn! Cùng nghía qua các loại thịt được sử dụng nhiều nhất và công dụng của chúng nhé! Thịt […]
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm đi chợ và vẫn còn rất phân vân “nên chọn khúc thịt này hay miếng sườn kia?” “Thịt nào vừa ngon vừa bổ?”… thì bài viết này là dành cho bạn! Cùng nghía qua các loại thịt được sử dụng nhiều nhất và công dụng của chúng nhé!
Thịt nạc thăn
Đây là loại thịt được coi là ngon nhất (và cũng có giá thành cao nhất) trong các phần của heo. Loại thịt này thích hợp để làm chả lụa, chà bông hay thịt sốt chua ngọt. Thịt thăn mềm nhất so với các phần khác của heo và hầu như không dính mỡ. Lượng Protein của thịt thăn cũng khá cao, lên đến 21g và 143g calo trên 100g.
Thịt ba rọi
Thịt ba rọi cũng là nguyên liệu của đa dạng các món ăn từ bình dân đến sang trọng, đặc biệt là các món kho, rim, nướng. Phần thịt này nằm ở bụng của con heo và không có xương. Khi cắt ngang miếng thịt, bạn sẽ thấy các lớp thịt nạc, mỡ xen kẽ nhau và ngoài cùng là lớp da mỏng. Chính nhờ lớp mỡ mềm mà thịt ba rọi không gây cảm giác khô như thịt nạc khi ăn. Thế nhưng mức độ dinh dưỡng của thịt ba rọi mang lại chỉ ở mức khá tương đối với 16.5g lượng Protein trên 100g.Thịt ba chỉ cân bằng cholesterol: 2/3 mỡ thịt lợn là tốt cho tim mạch. Đây là những béo không bão hòa dạng đơn thể giúp bạn cân bằng được cholesterol xấu và cholesterol tốt trong cơ thể.
Thịt Cốt lết
Thịt cốt lết là phần thịt ở lưng heo, có nạc nhiều, ít mỡ và thường miếng thịt có phần xương sườn.Ở miền Bắc, phần thịt được lọc riêng, khá nạc (và cũng được gọi là thịt thăn). Phần thịt này dùng để làm ruốc hoặc rim mặn sẽ rất hợp. Còn ở miền nam, miếng thịt hay được cắt kèm với phần đầu xương sườn (đôi khi còn được gọi là sườn cốt-lết). Đây chính là phần thịt dùng để làm sườn nướng gây thương nhớ ở các hàng cơm tấm. Ngoài món nướng ra, cốt lết còn được người ta dùng để rim và chiên nữa. Đặc biệt, lượng tryptophan trong thịt sườn cốt lết có thể làm tăng lượng serotonin trong não và cải thiện tâm trạng của bạn chút đỉnh đấy.
Thịt nạc vai
Phần thịt này nằm ở vai của lợn, trên gần sống lưng chân trước, ngay sát miếng thịt thủ. Thịt vai tương đối dai và giòn, chất thịt trơn mềm, ăn vào rất hợp khẩu vị và ăn nhiều vẫn không chán. Vì thịt vai có thớ thịt chia thành từng mảng nhỏ, đều cả nạc lẫn mỡ nên nhiều người thích xay phần thịt này ra để dùng chế biến nhiều món ăn như cháo thịt xay, thịt viên, cuốn lá lốt,… Ngoài ra, thịt nạc vai còn được sử dụng nhiều trong các món chiên, kho, nướng, hấp…
Thịt nạc dăm
Đây là phần thịt có các lớp mỡ xen kẽ vào bên trong miếng thịt, không phân tách thành lớp thịt-mỡ rõ ràng. Nhiều chị em hay dùng thịt này vì khi nấu thịt sẽ không bị khô mà cũng không bị quá béo. Thịt nạc dăm thường được dùng để làm món kho, rán hoặc làm món rim cháy cạnh, rang sả.
Thịt thủ
Phần thịt thủ chính là thịt nơi đầu heo. Thịt thủ có đặc tính khá giòn, nhiều mỡ. Nhưng đặc biệt loại mỡ này rất giòn và không gây ngáy như các loại mỡ khác. Một trong những món ăn nổi tiếng từ phần thịt này chính là giò thủ ngày Tết. Giò thủ (hay còn gọi là chả thủ) được rất nhiều người yêu thích bởi sự kết hợp hoàn hảo từ thịt thủ, tai heo, giò heo, mũi heo, nhiều mộc nhĩ và tiêu, tạo ra sự dai ngon sần sật nhưng lại không gây ngán vì béo.
Sườn heo
Sườn heo là phần được lóc ra từ xương sườn của con heo và có dắt thịt. Đây là phần hấp dẫn nhất bởi nó có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Sườn heo được chia thành nhiều dạng:
Sườn non: Đây là phần hấp dẫn nhất của con heo, rất thích hợp để làm các món nướng, rim và nấu canh. Sườn non là phần xương sườn nhỏ, xương dẹt, nhiều thịt, ít xương, thường có sụn. Mặc dù khá ngon nhưng sườn non lại có giá trị dinh dưỡng thấp, chỉ có 15g Protein và 277 calo trên 100g sườn non.
Dẻ sườn: Phần thịt cứng, chắc và nhiều thịt thường được dùng để nướng.
Sườn cốt-lết: Phần thịt gần thịt lưng gắn vào xương sườn của con heo. Đây là phần thịt ngon, ngọt và mềm thích hợp để nướng, chiên hay áp chảo.
Sườn già: Phần sườn có xương to, cứng và dài hơn, ít thịt. Cần thời gian nấu lâu thường để hầm canh lấy nước ngọt.
Thịt đùi và mông
Thịt mông là phần thịt này nằm ở mông con lợn, gồm cả thịt cả mỡ lẫn nhau. Trong phần thịt mông còn có một phần được phân biệt cụ thể hơn là thịt mông sấn. Đối với phần thịt, lớp da, mỡ được tách biệt rõ ràng. Thịt nạc rất dày, không có gân, xương hay sụn. Sát chỗ thịt mông là phần thịt đùi, được lóc ra từ phần đùi của con lợn, đây là nguyên liệu làm món thịt nguội hay Giăm bông nổi tiếng ở các nước châu Âu.
Thịt chân giò
Chân giò là món khoái khẩu của rất nhiều người. Đây là phần thịt ở đùi lợn được cắt bỏ phần móng giò. có nhiều thớ bắp thịt cuộn lại với nhau. Thịt chân giò được dùng để chế biến nhiều món như luộc, kho rim, và đặc biệt một số món đặc sản như chân giò hun khói, chân giò muối, chân giò nhồi. Chưa kể, chân giò còn được nấu với các món sợi như bún, miếng,… Đặc biệt, chân giò trước khá tốt cho hệ thần kinh: Loại thịt lợn này chứa nhiều thiamin, một loại vitamin B giữ cho các xung thần kinh được đúng nhịp. Nói cách khác, tim sẽ được bơm máu nhiều hơn vào đúng lúc và đúng chỗ.
Móng giò
Móng giò chính là phần chân gắn với móng của con lợn. Vùng thịt này có nhiều gân, thịt mỡ phần này khi ăn cũng không bị cảm giác gây béo, da giòn. Nhiều người coi móng giò như một món ăn dùng để tăng cân cho những người gầy, hoặc là món ăn giúp lợi sữa cho các mẹ sau khi sinh. Những món chủ yếu từ móng giò là canh giò hầm, kho nghệ, nấu giả cầy. Móng giò mùi vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bổ huyết, nhiều sắt và vitamin A, B. Ăn móng giò còn giảm suy nhược thần kinh, giúp ngủ ngon. Ngoài ra, chất keo trong móng giò còn giúp các tế bào da không bị khô nhăn nhờ đó da luôn căng bóng.
Với những thông tin trên, hi vọng bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích và cảm thấy dễ dàng hơn khi chọn mua thịt và nấu ăn cho gia đình. Chúc các bạn luôn ngon miệng!